PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẨM GIÀNG
TRƯỜNG THCS LAI CÁCH
Video hướng dẫn Đăng nhập

HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10.

          Cô xin chào tất cả em- những người bạn thân thiết của thư viện. Hôm nay cô rất vui khi lại được trò chuyện cùng các em trong buổi giới thiệu những cuốn sách hay, những bài viết đặc sắc của những bạn là thành viên của tổ cộng tác viên thư viện nhà trường.

          Các em yêu quý!

         Trong những ngày đầu tháng 10 khi tiết trời đã chuyển mình với những cơn gió se lạnh vào mỗi buổi sớm mai cùng với hương hoa sữa nồng nàn- một thứ hương vị đặc trưng mà thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc sống của chúng ta. Chính những điều tưởng chừng rất đỗi giản dị đó đã thổi hồn vào cho chúng ta viết ra những câu chuyện, những suy nghĩ, mong ước của chính mình để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

         Hôm nay cô xin được giới thiệu tới tất cả các em một câu chuyện như thế của một bạn đội viên thuộc liên đội lớp 8D- em Vũ Thị Thơm một thành viên tích cực luôn có những ý tưởng, việc làm ý nghĩa thiết thực trong công tác thư viện của nhà trường, em đã lan tỏa tình yêu đọc sách không những chỉ cho các bạn trong lớp của mình mà còn tạo được động lực rất lớn cho các bạn đội viên khác trong toàn trường.

         Đây là bài viết em đã tham gia vào cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021 dịp hè vừa qua. Chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe và suy ngẫm về câu chuyện của bạn nhé!

           Xin chào tất cả những người bạn thân yêu của tôi!

        Hôm nay tôi rất vui và muốn được chia sẻ với các bạn về một câu chuyện mà tôi đã đươc học trong chương trình lớp 7. Với nội dung gần gũi, cách viết chân thật, dung dị câu chuyện đã để lại rất nhiều cảm xúc và có lẽ nó đã chạm tới trái tim của tôi- một cô học trò nhỏ nhưng đầy nỗi niềm, tâm sự trong lòng được dấu đằng sau vẻ bề ngoài mạnh mẽ, kiên cường mà thầy cô, bạn bè vẫn thường thấy ở tôi. Đâu đó trong câu chuyện, tôi đã thấy hình ảnh của chính mình và tôi đã khóc khi bắt đầu đọc từ những chữ đầu tiên. Nhưng kết thúc hành trình ấy, khi khép lại câu chuyện thì tôi đã khác, tôi nghĩ mình phải mạnh mẽ, tự tin để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Có như vậy hạnh phúc sẽ mỉm cười với mỗi chúng ta. Các bạn hày cùng đọc và chia sẻ với mình về câu chuyện này nhé!

           Câu chuyện “Cuộc chia tay của những con búp bê” của Khánh Hoài, tác phẩm đã dành được giải thưởng cuộc thi viết về quyền trẻ em do Viện Khoa học giáo dục tổ chức cứu trợ  trẻ em Thụy Điển – 1992.Truyện viết  về một vấn đề  đang là tâm điểm đối với toàn xã hội. Câu chuyện kể về cuộc chia tay đẫm nước mắt của hai anh em Thành và Thủy do gia đình tan vỡ, hai anh em mỗi người một ngả. Câu chuyện này vô cùng cảm động và lấy đi nhiều nước mắt của người đọc, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những bậc làm cha làm mẹ cũng như toàn thể xã hội.

          Mở đầu câu chuyện là tiếng quát chia đồ chơi lạnh lùng của mẹ trong sự bất lực, tuyệt vọng của hai anh em. Việc mà bố mẹ ly hôn có lẽ không còn bất ngờ đối với hai anh em, đồng thời những đứa trẻ nhạy cảm hiểu rằng chúng sắp phải xa nhau. Vì thế mà đêm qua Thủy khóc suốt đêm khiến “hai bờ mi đã sưng mọng lên vì khóc nhiều”. Thành và Thủy cùng ngồi ra vườn, nhớ lại những kỉ niệm của hai anh em trước đây và chẳng bao giờ dám nghĩ đến việc chúng sẽ xa nhau. Hình ảnh hai đứa trẻ đáng thương, tội nghiệp ngồi trong vườn đợi bình minh lên với đôi mắt buồn bã vô vọng khiến cho người đọc không thể cầm được cảm xúc thương xót cho những tâm hồn trẻ thơ vốn còn trong trẻo đã phải hứng chịu những đau khổ tột cùng về tinh thần. Trong hoàn cảnh đó, ngoài đường, tiếng xe máy, tiếng ô tô,và tiếng nói chuyện của những người đi chợ, cảnh vật vẫn rất êm đềm, đẹp đẽ, vậy mà tai họa vẫn liên tiếp giáng xuống đầu hai đứa trẻ đáng thương, vô tội. Trong mỗi ánh nhìn, hành động của hai anh em đều toát lên những nỗi buồn của sự lo sợ về một tương lai không  một ai mong muốn. Hẳn chúng muốn cứ mãi ngồi bên nhau như vậy nhưng rồi chúng vẫn phải vật lộn theo vòng quay của thời gian và bắt buộc phải làm theo những điều mà số phận sắp đặt. Sự kiện đầu tiên bắt đầu cho nỗi đau xót chia ly của hai đứa trẻ là chia đồ chơi. Búp bê vốn chỉ là những đồ vật vô tri, vô giác nhưng con người  là bằng xương bằng thịt, là những người có cảm xúc, trái tim thì sẽ có sự khác biệt. Họ có thể vui khi họ gặp những điều tốt đẹp, may mắn hoặc có thể buồn, giận hờn và khóc khi mình gặp phải những biến cố, mất mát trong cuộc sống. Thành và Thủy cũng chính là những con người như vậy. Hai anh em không chỉ rất yêu thương nhau mà còn muốn bố mẹ các em làm hòa, chung sống với nhau vui vẻ nhưng cuộc sống đâu phải do mình thích, muốn là được.Vì chuyện này mà hai trái tim bé nhỏ ấy đã không biết bao lần thổn thức, vùng vẫy trong vô vọng. Thành là một người anh trai yêu thương em gái hết mực, dù cho đồ chơi của chúng chẳng có gì nhiều nhưng Thành vẫn dành hết đồ chơi cho đứa em gái ngây thơ của mình. Không phụ lại tấm lòng của anh, Thủy  rất quan tâm đến anh từ những việc nhỏ nhất như vá áo cho anh để mẹ khỏi mắng, đến việc lấy con Vệ Sĩ đặt lên đầu giường nhằm canh giấc ngủ cho anh, khi chia đồ chơi cũng nhường hết cho anh và kiên quyết để lại con búp bê để canh cho anh giấc ngủ mà vốn chúng cũng rất gắn bó với Thủy. Người em quả là một đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng, có tâm hồn vị tha, tấm lòng yêu thương cao cả. Thủy không những thương anh mà còn thương cả những con búp bê, không muốn chúng bị chia lìa, quyết tâm bảo vệ biểu tượng của tình anh em gắn bó thân thiết. Thành sau khi nhận ra sự quan tâm, chăm sóc ân cần của em, cậu đã hiểu những sai lầm của mình, mải chơi mà ít quan tâm đến em. Bởi vậy, từ đó chiều nào Thành cũng đón em từ trường về, nhường tất cả đồ chơi cho em. Những cử chỉ, suy nghĩ của hai anh em đã cho thấy tình cảm yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của chúng dành cho nhau thật đẹp đẽ, nồng ấm.

Không chỉ dừng lại ở đó, cuộc chia của Thủy với mái trường, thầy cô, bạn bè thân thiết, cũng khiến cho người đọc không ngăn được dòng nước mắt tuôn trào như mưa của mình, khi cô bé nói “Mẹ em sẽ sắm cho em một thúng hoa quả để ra chợ ngồi bán”. Câu nói của Thủy khiến cô giáo bàng hoàng, mặt tái đi vì đau đớn. Một cô bé đang tuổi ăn tuổi chơi nhưng từ nay, không được tới trường, đánh mất tuổi thơ vui vẻ để bước vào cuộc sống mưu sinh vất vả bởi vì sự tan vỡ của gia đình. Như vậy là cha mẹ chưa hoàn thành nhiệm vụ khi không thể tạo điều kiện thuận lợi cho con cái tới trường.

Khi dắt tay Thủy ra khỏi trường Thành: “ kinh ngạc và thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”. Đây là tình huống đối lập giữa ngoại cảnh và nội tâm con người cho thấy cuộc sống vẫn bình thường, mọi người vẫn tuân theo nhịp sống đều đặn, cảnh vật vẫn đẹp đẽ, êm đềm “nắng vàng ươm”. Chi tiết này còn cho thấy hai anh em đang phải chịu đựng sự mất mát quá lớn, sự đổ vỡ của gia đình, anh em chia tay nhau, cõi lòng tan nát, sự vu vơ, lạc lõng của hai tâm hồn trẻ thơ, nỗi đau không người chia sẻ, chỉ một mình hai anh em phải chịu đựng.

         Kết thúc câu chuyện là cảnh xe đã đến, mẹ dắt tay Thủy đi chầm chậm trên con đường quen thuộc. Hai anh em Thành và Thủy chia tay nhau trong nước mắt, Thành không thể làm được gì mà chỉ có thể nhìn đứa em gái bé nhỏ, liêu xiêu, ngoan ngoãn khuất dần sau bóng cây.Trước khi đi, Thủy vừa miếu máo vừa  không ngừng dặn dò “khi nào áo anh rách, anh tìm về chỗ em, em vá cho, anh nhé”; “ anh không được để cho hai con Vệ Sĩ và Em Nhỏ cách xa nhau”. Tình anh em giữa Thành và Thủy thật cảm động biết bao!                         

Em đã từng trải qua hoàn cảnh giống hai anh em Thành và Thủy nên em rất hiểu những gì hai anh em họ phải trải qua. Lúc gia đình đổ vỡ, em cảm thấy như mất đi tất cả mọi thứ, cả thế giới đang quay lưng lại với mình, sự bơ vơ, lạc lõng, buồn bã ấy lại càng sâu sắc hơn khi nhìn thấy những bạn được bố mẹ quan tâm chăm sóc, yêu thương hay vào những dịp đoàn tụ gia đình hoặc có ai hỏi về gia đình mình, em rất ngại khi phải trả lời là bố mẹ đã ly hôn.

         Em chỉ biết trách bản thân mình sao không làm gì đó để gia đình “gương vỡ lại lành”. Em biết có rất nhiều bạn đang phải chịu cảnh ngộ như em. Các bạn cũng không nhận được đầy đủ tình yêu thương, dạy dỗ, chăm sóc đầy từ cả cha lẫn mẹ. Một số bạn còn rất kém may mắn khi là đối tượng của những vụ bạo hành, xâm hại, tệ nạn xã hội. Họ bản chất không phải là những đứa trẻ hư, xấu xa như mọi người vẫn nghĩ mà họ cơ bản chỉ chưa nhận được tình yêu thương, sự ấm áp từ tổ ấm gia đình, chưa nhận được sự dạy dỗ một cách chuẩn mực mà thôi. Chúng ta hãy cho họ những gì họ chưa nhận được cũng như bồi đắp tình cảm, dành sự đồng cảm cho họ nhiều hơn để họ có thể cảm nhận được và từ đó bản thân những người như vậy họ sẽ có sự thay đổi. Chúng ta hãy biết lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm với những người gặp phải hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Phê phán những người có hành vi chế giễu, khiêu khích, lôi kéo những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn vào những việc làm trái với đạo đức, lương tâm. Chúng ta hay lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái” bằng cách tham gia các chiến dịch từ thiện, hỏi thăm, động viên, an ủi …những việc làm như vậy tuy rất nhỏ nhưng cũng góp phần làm giảm thiểu đi sự thiệt thòi, đau thương mà họ phải trải qua. Ngoài ra, nhà nước  phải có chính sách để bảo vệ quyền của trẻ em, đem lại sự giúp đỡ thích đáng cho bố mẹ trong việc nuôi dạy con cái. Đặc biệt nhà trường, địa phương cũng phải có những chính sách tuyên dương, động viên tới những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Em cũng biết các bạn có hoàn cảnh như em chịu rất nhiều thiệt thòi, uất ức, bất công nhưng các bạn ơi chúng mình có muốn như vậy đâu, thay vì ngồi đó mà than thở, đỗ lỗi hết cho người này người kia thì chúng ta hãy hiện thực hóa hành động của mình bằng cách: “Chúng mình phải vượt lên trên những sự khó khăn của bản thân, cuộc sống để hướng tới những điều tốt đẹp, những giá trị chân -thiện- mĩ, những gì chúng ta xứng đáng nhận được, các bạn phải tự viết lên số phận của mình, phải chiến thắng nó chứ không để nó sắp xếp cuộc đời mình theo một hướng đi khác và cũng đừng bao giờ đổi lỗi cho hoàn cảnh. Bởi vì nó vốn dĩ không hề có lỗi mà lỗi là do các bạn không chịu cố gắng, không có sự thay đổi về bản thân.“Lời khuyên là của tôi, thực hiện là ở các bạn”

         Qua câu chuyện về cuộc chia tay đau đớn và đầy cảm động của hai anh em Thành và Thủy do gia đình tan vỡ, tác giả muốn khẳng đinh với chúng ta: Tổ ấm gia đình vô cùng quý giá và quan trọng. Mọi người hãy cố gắng bảo vệ và giữ gìn, không nên vì bất kì lí do gì mà làm ảnh hưởng tới những tình cảm tự nhiên, trong sáng ấy. Từ câu chuyện kể về cuộc chia tay đẫm nước mắt của hai anh em Thành và Thủy, nhà văn Khánh Hoài đã kín đáo, tế nhị để nói bóng gió về sự vô tâm, thản nhiên thờ ơ của xã hội trước những gì mà những đứa trẻ có hoàn cảnh giống hai anh em Thành và Thủy phải trải qua. Nói về sự vô trách nhiệm, ích kỷ của các bậc làm cha, làm mẹ. Họ chỉ đơn giản nghĩ chỉ cần xảy ra xích mích, bất đồng quan điểm một chút là ly hôn, đưa nhau ra luật pháp, chối bỏ trách nhiệm đối với con cái, họ coi con cái như là những tài sản vô tri vô giác để họ mang ra cân, đong, đo, đếm. Chắc chắn sẽ ít người nghĩ được việc gia đình tan vỡ sẽ như một con dao hai lưỡi đâm thẳng vào trái tim mỏng manh, dễ vỡ của những đứa trẻ ấy, đồng thời cũng là tiếng kêu ai oán “hãy cứu lấy con mọi người ơi” của những đứa trẻ đáng thương, vô tội. Tóm lại, những bậc làm cha, mẹ cần phải có trách nhiệm hơn, hãy cảm nhận con mình cần gì, và không cần gì. Đôi khi những gì chúng cần là những thứ vô cùng nhỏ nhoi như: sự ấm áp của gia đình, sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương, sự đồng cảm hay cũng có thể là chúng cần cha mẹ như là người bạn đồng hành chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những khát vọng, ước mơ. Nhà nước cũng như toàn xã hội hãy chung tay kêu gọi mọi người bảo vệ quyền trẻ em, quan tâm trẻ em hơn. Phê phán, xử lí những hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em.

          Cuốn truyện trên chỉ là môt đơn cử điển hình trong số rất nhiều các tác phẩm, câu chuyện  trong kho tàng văn học của chúng ta đã được các tác giả viết và gửi đến bạn đọc như những món quà tinh thần vô giá đối với cuộc sống của chúng ta. Như vậy, có thể thấy rằng sách đúng là: “Ngọn đèn sáng bất diệt của tri thức con người”. Nó cung cấp cho ta rất nhiều những kiến thức bổ ích, thú vị, nó mở ra những chân trời kiến thức mới cho chúng ta phám phá, tìm hiểu, học hỏi. Không chỉ dừng lại ở đó sách còn cung cấp cho chúng ta những bài học làm người, những bài học đối nhân xử thế quý giá. Chúng giúp ta rất nhiều trong hành trình chinh phục tri thức và hoàn thiện bản thân. Và để có nguồn kiến thức vô tận chúng ta phải không ngừng nghỉ việc tiếp thu kiến thức từ rất nhiều nguồn khác nhau như: Thầy cô, bạn bè, đặc biệt là từ nguồn thư viện khổng lồ internet…Thực tiễn mà nói ngày nay có rất nhiều các trang mạng giúp chúng ta tiếp thu tri thức, nhưng trong đó sách vẫn luôn giữ một vai trò rất quan trọng. Như chúng ta cũng biết, kiến thức, sự hiểu biết của chúng ta có được chỉ nhỏ như giọt nước còn những gì chúng ta chưa biết là cả một đại dương bao la, rộng lớn. Vì vậy, chúng ta cần phải kịp thời bổ sung những nguồn kiến thức chúng ta bị thiếu hụt để không bị lạc lạc hậu so với sự phát triển của khoa học, kĩ thuật hiện nay.Và để việc tiếp thu kiến thức một cách có hiệu quả nhất thì chúng ta nên thiên về mảng tự học, tự tìm hiểu. Đó chính là việc đọc sách, chúng ta trước tiên nên tạo thói quen đọc sách cho mình và sau đó, chúng ta nên lan tỏa văn hóa đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi để mở rộng tri thức cũng như phát huy truyền thống hiếu học của ông cha ta.

         Nếu như em được chọn trở thành Đại sứ văn hóa đọc, trong khả năng của mình, em sẽ cố gắng hết sức để thực hiện những biện pháp thiết thực, phù hợp nhất để khuyến khích và lan truyền văn hóa đọc trong nhà trường.Việc quyên góp sách từ thiện cho các vùng trung du miền núi và xây dựng lên những thư viện đọc sách nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của mọi người để ai cũng có cơ hội đến gần hơn với sách là điều hết sức cần thiết. Em mơ ước có thể mở câu lạc bộ đọc sách, nhằm khuyến khích, gắn kết những người yêu sách đặc biệt là các bạn trẻ và giúp cho sách đến gần hơn nữa với mọi người.

        Ở trường, em có thể tham gia thực hiện các cuộc vận động cùng các thầy cô giáo, bạn bè quyên góp, ủng hộ và kết hợp với thư viện nhà trường tham gia các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi tri thức bổ ích như: tổ chức một buổi hội chợ sách với quy mô nhỏ phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nơi các bạn có thể mua bán, trao đổi những sản phẩm sách do mình tự viết lên, sáng tạo ra, tuyên truyền giới thiêu sách, kể chuyện theo sách, trao đổi sách cũ với các bạn khác, để mọi người trong trường có cơ hội đọc nhiều cuốn sách cũng như thực hiện phong trào “góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay” để những cuốn sách em đã đọc và rất tâm đắc có thể đến tay nhiều người. Và em dự định cùng những bạn có cùng sở thích, đam mê đọc sách sẽ làm một buổi triển lãm về một số bộ sách, trưng bày, giới thiệu về những cuốn sách nổi tiếng, trích dẫn các đoạn văn hay, thông tin thú vị trong sách nhằm tạo ra sự hứng thú tìm hiểu đối với các bạn. Những thông tin về các buổi trao đổi tập hợp sẽ được phổ biến rộng rãi trên trang Web và Fanpage của nhà trường, trên Thư viện điện tử để tạo ra một diễn đàn đọc sách thật ý nghĩa. Để làm được điều ấy, em rất cần sự ủng hộ và giúp đỡ của tất cả mọi người. "Hãy thay đổi nhận thức hôm nay, tôi làm được và bạn cũng thế!"

        Ở mỗi lớp học, em thấy đều có một chiếc tủ nhỏ để đồ dùng học tập, dụng cụ thể thao, báo Đội, một số quyển sách và từ điển cần thiết cho việc học. Em muốn lấp đầy tủ sách ấy bằng việc mỗi thành viên trong lớp đóng góp một cuốn sách…Các bạn có thể đọc vào những giờ ra chơi, những lúc rảnh rỗi hoặc có thể mang về nhà nhưng với một điều kiện các bạn phải mang trả đúng hẹn, có trách nhiệm giữ gìn cẩn thận. Hoạt động này sẽ được duy trì với việc mỗi bạn đóng góp một cuốn sách khác. Để khuyến khích học sinh trong lớp đọc sách, các bạn có thể viết bài đánh giá và nhận xét trên trang viết học trò của trường, các thầy cô chủ nhiệm cũng có thể cho điểm khuyến khích hoặc tổ chức các buổi thảo luận về nội dung sách trong giờ sinh hoạt lớp. Làm được việc ấy, việc đọc sách sẽ trở thành thói quen, rồi sẽ trở thành niềm vui chung của nhiều bạn học sinh.

         Em xin được giới thiệu một số hình ảnh trong những buổi thảo luận về nội dung “Sách là bạn” trong giờ sinh hoạt lớp, buổi trải nghiệm Ngày hội sách- xây dựng văn hóa đọc tại trường học của em đã thực hiện trong những năm học gần đây, mang lại cho chúng em rất nhiều điều bổ ích, giúp chúng em ngày càng có một t́nh yêu lớn đối với sách. Xin mời các bạn cùng xem nhé!

(Cô trò cùng nhau thảo luận, chia sẻ về những cuốn sách hay trong giờ sinh hoạt)

                                   (Những hoạt động ý nghĩa được thực hiện trong ngày hội sách)

Cuối cùng, em xin chân thành cảm ơn đến Ban tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2021” cùng các quý thầy, cô giáo đã tạo điều kiện cho chúng em có cơ hội tham gia cuộc thi bổ ích, thú vị. Cuộc thi này có ý nghĩa rất lớn đối với chúng em. Nó giúp chúng em rất nhiều trong học tập cũng như trong đời sống hằng ngày. Ngoài ra, nó còn giúp chúng em có cơ hội được trau dồi thêm nhiều những kiến thức, kĩ năng, sự sáng tạo cần có để trở thành một người công dân có ích trong tương lai như: kĩ năng giao tiếp, tự tin thể hiện bản thân mình, cải thiện kĩ năng viết luận văn, có khả năng gõ bàn phím bằng mười ngón tay một cách thành thạo,…Đặc biệt, thông qua cuộc thi này, nó giúp chúng em có thể đưa ra những ý kiến, việc làm cụ thể để làm lan tỏa văn hóa đọc khắp mọi nơi. Cuộc thi là chiếc cầu nối đầy ý nghĩa gắn kết mọi người lại gần với nhau hơn.

Một lần nữa, em xin cảm ơn tất cả mọi người!

                                                                 Chào thân ái!


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
TRƯỜNG THCS LAI CÁCH GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 09/2023 Cuốn sách “ Hướng dẫn tham gia giao thông cấp THCS và THPT” ... Cập nhật lúc : 8 giờ 38 phút - Ngày 15 tháng 11 năm 2023
Xem chi tiết
TRƯỜNG THCS LAI CÁCH THAM GIA TẬP HUẤN PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY NĂM HỌC 2023 - 2024 ... Cập nhật lúc : 15 giờ 53 phút - Ngày 31 tháng 10 năm 2023
Xem chi tiết
TRƯỜNG THCS LAI CÁCH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CÁN BỘ, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM HỌC 2023-2024 ... Cập nhật lúc : 14 giờ 41 phút - Ngày 7 tháng 10 năm 2023
Xem chi tiết
TRƯỜNG THCS LAI CÁCH TỔ CHỨC THÀNH CÔNG ĐẠI HỘI LIÊN ĐỘI NHIỆM KÌ NĂM HỌC 2023 – 2024 ... Cập nhật lúc : 14 giờ 15 phút - Ngày 7 tháng 10 năm 2023
Xem chi tiết
TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ LAI CÁCH TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ ... Cập nhật lúc : 8 giờ 47 phút - Ngày 26 tháng 9 năm 2023
Xem chi tiết
TRƯỜNG THCS LAI CÁCH VINH DANH THỦ KHOA TRƯỜNG THPT CẨM GIÀNG NĂM HỌC 2023 - 2024 ... Cập nhật lúc : 17 giờ 30 phút - Ngày 25 tháng 6 năm 2023
Xem chi tiết
TRƯỜNG THCS LAI CÁCHCÔNG BỐ CÔNG KHAI QUYẾT TOÁN THU - CHI NGÂN SÁCH, CÁC KHOẢN THU TRONG NHÀ TRƯỜNG NĂM 2022 ... Cập nhật lúc : 14 giờ 54 phút - Ngày 5 tháng 5 năm 2023
Xem chi tiết
THƯ VIỆN TRƯỜNG THCS LAI CÁCH TUYÊN TRUYỀN HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM NĂM 2023. ... Cập nhật lúc : 8 giờ 57 phút - Ngày 12 tháng 4 năm 2023
Xem chi tiết
TRƯỜNG THCS LAI CÁCH MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ VÀ HƯỞNG ỨNG THÁNG THANH NIÊN ... Cập nhật lúc : 16 giờ 17 phút - Ngày 4 tháng 4 năm 2023
Xem chi tiết
Trường THCS Lai Cách công khai dự toán ngân sách năm 2023, giao biên chế năm 2023 ... Cập nhật lúc : 8 giờ 44 phút - Ngày 1 tháng 3 năm 2023
Xem chi tiết
123456789101112
DANH MỤC
ĐỀ THI, CHUYÊN ĐỀ
Đề thi HSG tỉnh Hải Dương năm 2011 - 2012 môn Toán.
Đề thi HSG tỉnh Hải Dương năm 2011 - 2012 môn Tiếng Anh.
Đề kiểm tra chất lượng tháng 3/2012 môn Ngữ văn.
Một số phương pháp dạy học tích cực.
Những điểm mới trong Thông tư 58 so với Quy chế 40 và Thông tư 51 về kiểm tra đánh giá học sinh.
Kế hoạch tổ chức Hội thảo“Đổi mới kiểm tra đánh thông qua biên soạn đề kiểm tra, xây dựng thư viện câu hỏi, bài tập môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý trong trường THCS và THPT” của Sở GD.gữ văn, Lịch sử, Địa lý trong trường THCS” của Phòng GD.
Phân công viết tham luận tham dự Hội thảo cấp tỉnh các môn Ngữ văn, Sử, Địa.
Đề kiểm tra chất lượng môn Toán tháng 02 năm 2012
VĂN BẢN CỦA NHÀ TRƯỜNG